1/ CTY ĐIỆN LỰC TPHCM - EVNHCMC đã có văn bản triển khai đến 16 Công ty Điện lực trực thuộc yêu cầu thực hiện chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện – an toàn điện, các dịch vụ về điện đến 1.976 Khu phố tương đương với 24.277 Tổ dân phố trên địa bàn Tp.HCM.
Theo đó, các nội dung như: các biện pháp sử dụng điện an toàn – tiết kiệm; các dịch vụ thanh toán tiền điện qua Ngân hàng, qua các dịch vụ điện tử; trình tự rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng qua trạm biến áp theo Thông tư 33 của Bộ Công thương về rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng; tuyên truyền về tình trạng vi phạm sử dụng điện để phòng ngừa các hành vi vi phạm sử dụng điện; giới thiệu về Trung tâm chăm sóc khách hàng, tổng đài 1900545454, website chăm sóc khách hàng https://cskh.hcmpc.com.vn... sẽ được các Công ty Điện lực phối hợp cùng với các Ban điều hành Khu phố để tuyên truyền trong các buổi họp Khu phố, Tổ dân phố của địa phương.
Trong những năm gần đây, các Chương trình tiết kiệm điện đã được EVNHCMC triển khai mạnh mẽ trên toàn địa bàn thành phố và đã đạt được hiệu quả cao. Việc đẩy mạnh tuyên truyền đến các Khu phố, Tổ dân phố nhằm đảm bảo từng hộ dân đang sinh sống tại Tp.HCM được trang bị các kiến thức về điện để người dân chủ động hơn trong việc sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả.
EVN cải cách rất chủ động và quyết liệt về tiếp cận điện năng
Ngày đăng: 21/11/2018
Đó là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo "Công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn từ doanh nghiệp". Sự kiện diễn ra ngày 20/11, tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cùng đại diện một số Bộ, ban, ngành, địa phương.
Về phía EVN có ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN tham dự.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 từ năm 2014 đến 2018 và Nghị quyết 35 năm 2016, trong đó giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ đạt Top 4 ASEAN, có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. "Cả 2 nhóm mục tiêu này đều mang tính trọng yếu, quyết định sự phát triển của kinh tế Việt Nam" - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Phân tích cụ thể về tình hình thực hiện cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết có 2 lĩnh vực nổi bật nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong đó, 74% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tiếp cận điện năng đã cải thiện ở mức tốt.
Cũng theo khảo sát của VCCI từ các doanh nghiệp, điện năng cũng là loại hạ tầng tốt thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau viễn thông - điện thoại. Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều phản ánh tích cực về độ ổn định cung cấp điện. Nếu như năm 2012, thời gian mất điện trung bình của mỗi khách hàng là 8.000 phút/năm, thì con số này hiện đã giảm xuống chỉ còn 235 phút/năm.
“Các kết quả này tương đồng với đánh giá của Doing Business. Trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam, tiếp cận điện năng là chỉ số thuộc Top đầu có cải cách nhanh và cải thiện rất bền vững, cho thấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện cải cách rất chủ động và quyết liệt ”- ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 xếp thứ hạng 27/189 quốc gia, nền kinh tế; tăng 129 bậc so với năm 2013. Chỉ tiêu này đã chính thức lọt Top 4 ASEAN trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 19. "Kết quả này có được từ sự nỗ lực của CBCNV trong toàn Tập đoàn và sự hỗ trợ, phối hợp tích cực từ các Bộ, ngành, địa phương" - ông Võ Quang Lâm khẳng định.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc EVN, trong 5 năm qua, CBCNV Điện lực đã hoàn toàn thay đổi nhận thức về công tác dịch vụ. Khách hàng là trung tâm và EVN luôn nỗ lực cung ứng dịch vụ điện tới khách hàng với chất lượng ngày càng tốt hơn. Qua phân tích phương pháp của Doing Business, EVN đã học hỏi cách làm của thế giới, nghiên cứu thay đổi quy trình kinh doanh điện. Đồng thời, EVN đã đẩy mạnh thực hiện 1 cửa liên thông, nhằm đem đến sự thuận lợi, dễ dàng cho khách hàng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ điện.
Hiện nay, Tập đoàn đã cung ứng 100% dịch vụ điện trực tuyến tương đương cấp độ 3. Trên lộ trình ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, Tập đoàn sẽ chính thức cung ứng tiện ích thanh toán tiền điện mọi lúc mọi nơi, tương đương dịch vụ công cấp độ 4 từ tháng 12 năm nay.
2/ Lợi ích từ thị trường buôn bán điện cạnh tranh
Theo đúng lộ trình, từ ngày 1-1-2019, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức chuyển sang giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM).
3/ Thị trường điện cạnh tranh cần hoàn thiện hành lang pháp lý:
4/ Vay mua thiết bị điện năng lượng mặt trời tại Sacombank
Sacombank vừa triển khai gói cho vay không giới hạn tổng hạn mức tín dụng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua thiết bị điện năng lượng mặt trời với nhiều ưu đãi như hạn mức vay lên đến 100% nhu cầu vốn (tối đa 500 triệu đồng), lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, không cần tài sản đảm bảo, thời gian vay đến 60 tháng.
Khách hàng có nhu cầu vay không những được hỗ trợ về hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng mà còn được miễn phí sử dụng 6 tháng gói dịch vụ tại Sacombank.
Chị Thu Nga (TP.HCM), một khách hàng của Sacombank, cho biết: “Tôi vừa vay 50 triệu đồng ở Sacombank để lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời ở nhà, giúp tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền điện cho đèn, quạt, máy lạnh… Trước đây, tôi nghĩ thủ tục vay mà không cần thế chấp chắc phức tạp và khó khăn lắm, vậy mà để vay được khoản này, tôi chỉ cần nộp bản sao hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế và hóa đơn điện là được giải quyết ngay”.
Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, các sản phẩm điện mặt trời đang được ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô, cũng như công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại, nên khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu. Đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm ở khu vực thành thị, mà còn là giải pháp tăng cường nguồn điện ở các địa bàn chưa có lưới điện hoặc gặp khó khăn trong việc cấp điện để phục vụ sinh hoạt và ngành nghề mưu sinh của các gia đình.
5/ Ngày nay năng lượng mặt trời ngày càng được các cá nhân và tổ chức sử dụng rộng rãi.
Điện mặt trời là một hướng phát triển tích cực trong việc cung cấp năng lượng cho các nhu cầu tư nhân và công cộng. Nhưng có lẽ cũng cần biết đến những ưu và khuyết điểm của nguồn năng lượng tự nhiên này.
Ưu điểm của năng lượng mặt trời
1. Khả năng tái tạo
Điện mặt trời là một nguồn năng lượng tái tạo, không giống như các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt… là những nguồn nhiên liệu không thể phục hồi. Theo tính toán của NASA, mặt trời còn có thể cung cấp năng lượng cho chúng ta trong khoảng 6,5 tỉ năm nữa.
2. Sự phong phú, dồi dào
Tiềm năng của năng lượng mặt trời là rất lớn - mỗi ngày, bề mặt trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới (1TW = 1.000 tỉ W).
3. Nguồn cung bền vững và vô tận
Năng lượng mặt trời là vô tận, dư thừa để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nhân loại, đủ dùng cho muôn vàn thế hệ về sau.
4. Tính khả dụng
Năng lượng mặt trời có thể được tiếp nhận và sử dụng ở mọi nơi trên thế giới - không chỉ ở vùng gần xích đạo trái đất mà còn ở các vĩ độ cao thuộc phía bắc và phía nam. Ví dụ, Đức hiện đang chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong việc sử dụng năng lượng mặt trời và có kế hoạch tận dụng tối đa tiềm năng này.
5. Sạch về sinh thái
Theo xu hướng phát triển gần đây trong cuộc đấu tranh cho việc làm sạch môi trường trái đất, năng lượng mặt trời là lĩnh vực hứa hẹn nhất, có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo được và do đó, nó đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường từ sự tăng nhiệt toàn cầu. Việc sản xuất, vận chuyển, lắp đặt và vận hành các nhà máy điện mặt trời về cơ bản không phát thải các loại khí độc hại vào khí quyển. Ngay cả khi có phát thải một lượng nhỏ thì nếu so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống, lượng khí này là không đáng kể.
6. Không gây tiếng ồn
Trên thực tế, việc sản xuất năng lượng mặt trời không sử dụng các loại động cơ như trong máy phát điện, vì vậy việc tạo ra điện không gây tiếng ồn.
7. Hiệu quả cao, chi phí hoạt động thấp
Chuyển sang sử dụng pin mặt trời, các hộ gia đình sẽ có được một khoản tiết kiệm đáng kể trong ngân sách chi tiêu. Việc bảo trì, duy tu hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời cho hộ gia đình đòi hỏi chi phí rất thấp - trong 1 năm, bạn chỉ cần một vài lần lau chùi sạch các tấm pin năng lượng mặt trời và chúng luôn được các nhà sản xuất bảo hành trong khoảng thời gian lên tới 20-25 năm.
8. Áp dụng rộng rãi
Phổ ứng dụng của năng lượng mặt trời rất rộng - cung cấp điện tại các khu vực không có kết nối với lưới điện quốc gia (ngay cả ở những quốc gia phát triển cao như Mỹ, Nga, Pháp… hiện cũng vẫn có những vùng sâu vùng xa được gọi là “điểm mù về điện” như thế); dùng để khử muối trong nước biển ở nhiều quốc gia châu Phi khan hiếm nước ngọt và thậm chí cả việc cung cấp năng lượng cho các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất. Điện mặt trời gần đây được gọi là "năng lượng toàn dân", phản ánh sự đơn giản của việc tích hợp điện mặt trời vào hệ thống cung cấp điện nhà, song song với điện lưới hoặc điện từ các nguồn cung khác.
9. Công nghệ tiên tiến
Công nghệ sản xuất pin mặt trời mỗi ngày một tiến bộ hơn - mô-đun màng mỏng được đưa trực tiếp vào vật liệu ngay từ giai đoạn sơ chế ban đầu. Tập đoàn Sharp của Nhật Bản cũng là một nhà sản xuất pin mặt trời, vừa giới thiệu một hệ thống sáng tạo các yếu tố lưu trữ năng lượng cho kính cửa sổ. Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ nano và vật lý lượng tử cho phép chúng ta kỳ vọng về khả năng tăng công suất của các tấm pin mặt trời lên gấp 3 lần so với hiện nay.
Nhược điểm
1. Chi phí cao
Có ý kiến cho rằng, điện mặt trời thuộc về loại năng lượng đắt tiền - đây có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhất trong việc sử dụng nguồn năng lượng này. Do việc lưu trữ năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình đòi hỏi khoản chi phí đáng kể ở giai đoạn ban đầu, nhiều quốc gia khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch bằng cách cho vay tín dụng để thực hiện hoặc cho thuê pin mặt trời theo những hợp đồng có lợi cho người thuê.
2. Không ổn định
Có một thực tế bất khả kháng: Vào ban đêm, trong những ngày nhiều mây và mưa thì không có ánh sáng mặt trời, vì thế năng lượng mặt trời không thể là nguồn điện chính yếu. Tuy nhiên, so với điện gió, điện mặt trời vẫn là một lựa chọn có nhiều ưu thế hơn.
3. Chi phí lưu trữ năng lượng cao
Giá của ắc quy tích trữ điện mặt trời để lấy điện sử dụng vào ban đêm hay khi trời không có nắng hiện nay vẫn còn khá cao so với túi tiền của đại đa số người dân. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, điện mặt trời chưa có khả năng trở thành nguồn điện duy nhất ở các hộ gia đình mà chỉ có thể là nguồn bổ sung cho điện lưới và các nguồn khác.
4. Vẫn gây ô nhiễm môi trường, dù rất ít
Mặc dù so với việc sản xuất các loại năng lượng khác, điện mặt trời thân thiện với môi trường hơn, nhưng một số quy trình công nghệ để chế tạo các tấm pin mặt trời cũng đi kèm với việc phát thải các loại khí nhà kính, nitơ trifluoride và hexaflorua lưu huỳnh. Ở quy mô lớn, việc lắp đặt những cánh đồng pin mặt trời cũng chiếm rất nhiều diện tích đất nhẽ ra được dành cho cây cối và thảm thực vật nói chung.
5. Sử dụng nhiều thành phần đắt tiền và quý hiếm
Việc sản xuất các tấm pin mặt trời màng mỏng đòi hỏi phải sử dụng cadmium telluride (CdTe) hoặc gallium selenide indi (CIGS) - những chất rất quý hiếm và đắt tiền, điều này dẫn đến sự gia tăng chi phí.
6. Mật độ năng lượng thấp
Một trong những thông số quan trọng của nguồn điện mặt trời là mật độ công suất trung bình, được đo bằng W/m2 và được mô tả bằng lượng điện năng có thể thu được từ một đơn vị diện tích nguồn năng lượng. Chỉ số này đối với điện mặt trời là 170 W/m2 - nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, nhưng thấp hơn dầu, khí, than và điện hạt nhân. Vì lý do này, để tạo ra 1kW điện từ nhiệt năng mặt trời đòi hỏi một diện tích khá lớn của các tấm pin mặt trời.