Hỗ trợ khách hàng 24/7

Hotline: ĐT, Zalo: 0989 247 510

Tư vấn sử dụng điện an toàn với các thiết bị gia dụng

1/ Lý do không nên trút cạn ấm siêu tốc ngay khi vừa đun xong

Vừa đun nước sôi xong, bạn không nên trút cạn ấm ngay, vì mâm nhiệt vẫn tiếp tục sinh nhiệt dù công tắc điện đã tắt.

 Nếu không chừa lại một lượng nước trong ấm, mâm nhiệt rất nhanh hỏng. Do đó, nên để lại ít nước sôi trong ấm, cao quá mâm nhiệt 2 cm, đợi cho đến khi nguội rồi mới trút cạn, theo ABCnews.

Một sai lầm nhỏ khác là nhiều người sau khi đun nước trong ấm siêu tốc, cứ để nước nguội trong đó ngày này qua ngày khác, hết lại đun tiếp. Việc này khiến cho cặn canxi đóng lại trong ấm, gây chóng hỏng mâm nhiệt và tốn thời gian đun gây tốn điện hơn. Do đó, cách đúng nhất để ngăn cặn đóng là làm rỗng ấm sau khi đun.

Một lưu ý khác là không nên đun nước quá mức cho phép. Đun quá mức khiến mâm nhiệt phải làm việc quá tải, và trong thời gian lâu hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị.

Để làm sạch cặn lòng ấm, bạn nên cho nước ấm vào nửa bình, thêm một chút giấm và để nguyên trong 20 phút. Đổ nước đi và dùng một tấm mút xốp chà nhẹ nhàng.

 

2/ Đề phòng cháy ổ cắm điện

Hàng loạt vụ cháy xảy ra gần đây đã được Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) xác định, nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng ổ cắm điện không an toàn.

Có thể kể tới vụ cháy nhà trọ tại ngách 15, ngõ 637 đường Trương Định, phường Thịnh Liệt quận Hoàng Mai, TP Hà Nội vào 13/6/2018. Tuy không gây hậu quả chết người, nhưng vụ cháy xuất phát từ ổ điện đã thiêu rụi toàn bộ tài sản trong phòng trọ. Hay như vụ cháy xảy ra ngày 17/9 tại số 576 ngõ 216 Định Công, phường Định Công, nguyên nhân được xác định là do chập điện ổ cắm biển quảng cáo.

Theo TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, ĐH Bách khoa Hà Nội: Là một vật dụng đã quá quen thuộc, ổ cắm điện ngày càng được thiết kế đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vật dụng này vẫn có thể có những khiếm khuyết nhất định, gây nguy hiểm cho người sử dụng khi vô tình tiếp xúc. Ngoài ra, nếu sử dụng không cẩn thận và hợp lý, nhất là với những loại thiết bị có công suất lớn như bàn là điện, nồi cơm điện, bếp điện, máy giặt, tủ lạnh… rất dễ xảy ra cháy nổ. 

TS. Trần Văn Thịnh cũng đưa ra một số lưu ý sử dụng ổ cắm điện an toàn:

- Sử dụng phích cắm điện phù hợp với ổ cắm điện, không quá lỏng, tránh phát sinh tia lửa điện, gây chập cháy; 

- Lau tay thật khô trước khi sử dụng phích cắm điện; 

- Không để ổ cắm điện gần nguồn nước, không nắm dây phích điện khi rút ra khỏi ổ cắm, vì như vậy thì dây rất dễ bị đứt, rất nguy hiểm; 

- Tuyệt đối không dùng 2 dây điện cắm vào ổ cắm, như vậy sẽ dễ gây cháy nổ do tiếp xúc giữa dây điện và ổ cắm rất kém, không an toàn cho người sử dụng; 

- Không nên cắm nhiều thiết bị có công suất lớn vào chung một ổ, phải đảm bảo được công suất của thiết bị phù hợp với công suất ổ cắm.

- Tắt thiết bị điện trước khi rút phích điện của thiết bị đó ra khỏi ổ cắm. Trường hợp những thiết bị có điều khiển công suất như bàn ủi điện, bếp điện... nên chọn mức công suất nhỏ nhất (thường là 0) trước khi rút phích điện, đảm bảo các ổ cắm không phát sinh tia lửa điện khi cắm và rút phích điện khỏi ổ cắm, giảm nguy cơ cháy nổ. 

-  Thường xuyên kiểm tra ổ cắm, nếu có các dấu hiệu nguy hiểm sau đây cần thay ổ cắm mới:

+ Mùi nhựa nóng từ ổ cắm điện

+ Tia lửa hoặc khói có bốc ra từ ổ cắm 

+ Có dấu màu đen hoặc cháy xém xung quanh ổ cắm, phích cắm, hoặc trên một thiết bị điện.

- Lắp đặt thêm ổ cắm nếu có yêu cầu tăng công suất.

- Để hệ thống điện gia đình luôn an toàn, rất cần sự trợ giúp của thợ bảo dưỡng chuyên nghiệp 1 - 2 lần/ 1 năm. Nhờ họ kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường mà bản thân khó có thể biết. 

Qua những sự cố cháy nổ ổ cắm, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khuyến cáo, các gia đình nên sử dụng cầu dao tự động (MCB) cho hệ thống điện trong nhà. Theo đó, cần tính toán, lựa chọn MCB sao cho thích hợp với dòng điện và có độ tin cậy cao.

Đặc biệt, khi phát hiện cháy, nổ, phải khẩn trương cắt cầu dao tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, đồng thời, báo Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 và sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Nghiêm cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. 

 

3/ Sai lầm khi dùng bếp từ, bếp hồng ngoại

Hỏi: Tôi có thói quen hay rút điện bếp từ, bếp hồng ngoại sau khi sử dụng. Có ý kiến cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến độ bền của bếp, tôi rất mong nhận được lời khuyên của chuyên gia? Nguyễn Lâm Tùng (số nhà 26, ngõ 210, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội).

Chào bạn Nguyễn Lâm Tùng!

Ngắt nguồn điện khỏi bếp điện từ, bếp hồng ngoại ngay sau khi vừa nấu xong là sai lầm phổ biến trong sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại. Hai loại bếp này đều có chung một nguyên lý làm mát các linh kiện bằng quạt gió. Quạt gió này sẽ bắt đầu hoạt động từ khi bật bếp. Sau khi tắt bếp, quạt vẫn tiếp tục hoạt động thêm khoảng 30 giây đến 1 phút. 

Sở dĩ quạt gió vẫn còn phải hoạt động khi đã tắt bếp là để làm mát cho các linh kiện điện tử bên trong và mặt kính của bếp. Khi bếp hoạt động, những linh kiện điện tử này sẽ phải chịu sức nóng từ 2 phía gồm: Linh kiện sinh ra nhiệt và nhiệt từ mặt kính của bếp tỏa xuống trong quá trình đun nấu. Với tác động nhiệt như vậy, những linh kiện này cần được làm mát, tránh chập cháy do quá nhiệt. 

Sau khi nấu xong, nếu người dùng rút ngay phích cắm điện của bếp ra khỏi nguồn điện sẽ khiến:

- Tuổi thọ của bếp giảm, do linh kiện bên trong bếp sẽ không được làm mát.

- Mặt kính của bếp dễ rạn nứt. 

Do đó, sau khi đun, bạn nên ấn nút off để tắt bếp, đợi khoảng 30 phút mới rút nguồn điện. Ngoài ra, bạn cũng không nên nấu ở nhiệt độ cao quá lâu. Sau khi nấu xong một món ở nhiệt độ cao, cần tắt để bếp nghỉ một chút rồi tiếp tục nấu món khác. \

 

 4/ Những sai lầm khiến bếp từ nhà bạn chóng hỏng, tốn điện và dễ cháy nổ

Bếp từ hiện đang được nhiều người sử dụng vì tiện lợi, sạch sẽ và an toàn, tuy nhiên đa phần người dân vẫn mắc phải những sai lầm dẫn tới bếp nhanh hỏng, tốn điện và dễ cháy nổ.

1. Bật bếp quá lâu và liên tục: Nhiệt độ làm nóng trên bếp điện rất cao so với bếp gas, rất dễ gây quá tải và giảm tuổi thọ của bếp, nứt mặt bếp cũng như hỏng hóc dụng cụ nấu nướng nếu dùng liên tục ở nhiệt độ cao.

Sau khi nấu xong một một món ăn, bạn nên tắt bếp nghỉ ngơi một chút rồi mới tiếp tục nấu món khác.

2. Che kín luồng khí lưu thông khiến ẩm mốc, dễ chập mạch điện: Bếp điện từ có thiết kế tương đối gọn gàng nên nhiều người thường tận dụng tối đa khoảng trống trên bếp để sắp xếp đồ đạc và vô tình che mất luồng khí lưu thông tản nhiệt cho bếp, dẫn đến tình trạng quá nhiệt khiến các hơi ẩm mốc trong quá trình nấu đọng lại bên trong bếp, lâu ngày có thể dẫn đến chập mạch, hỏng hóc.

3. Bất cẩn khi sử dụng dụng cụ: Đối với bếp điện từ, tất cả các vật bằng kim loại khi đặt trên mặt bếp đều được làm nóng, do vậy phải chú ý không để các dụng cụ, đồ vật kim loại trên mặt bếp khi đang nấu nướng.

4. Đặt bếp từ gần các thiết bị điện tử khác: Bếp từ sử dụng bức xạ sóng điện từ để làm nóng thức ăn. Tuy nhiên, các bức xạ sóng điện từ này có cường độ rất thấp nên hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà chỉ đủ để gây nhiễu một số thiết bị điện tử gần đó. Vì thế không nên đặt bếp từ gần các thiết bị điện tử khác như tivi, đầu đĩa, laptop...

5. Không vệ sinh bếp thường xuyên: So với bếp gas, các loại bếp điện từ có thiết kế nhỏ gọn và dễ vệ sinh hơn. Tuy nhiên, như vậy vô tình lại làm cho nhiều người ít có thói quen lau chùi, bảo dưỡng một cách cẩn thận. Ngoài ra, mặt bếp nếu ẩm ướt và không sạch dầu mỡ rất dễ bị rạn nứt nếu hoạt động ở nhiệt độ cao.

Để bếp từ lúc nào cũng sáng bóng lại bền, bạn nên làm ẩm vùng có dầu mỡ, thức ăn rồi dùng khăn mềm lau sạch. Tuyệt đối không dùng các dụng cụ sắc, nhọn như bàn chải, giấy nhám vì có thể làm hỏng bề mặt bếp.

6. Rút nguồn điện ngay sau khi vừa nấu xong: Khi vừa nấu xong, chúng ta thường ngắt điện ngay lập tức vì muốn tiết kiệm điện, thế nhưng điều này sẽ làm cho quá trình làm mát của bếp chậm lại do quạt tản nhiệt không hoạt động nữa, bếp sẽ nhanh hỏng. Do đó, hãy đợi cho đến khi quạt tản nhiệt dừng chạy rồi mới rút nguồn điện để đảm bảo bếp dùng được bền hơn.

7. Sử dụng thất thường: Nếu không sử dụng bếp từ thường xuyên, nhất là trong điều kiện thời tiết ẩm nồm như ở nước ta thì bếp từ rất dễ bị hơi ẩm xâm nhập có thể gây chập các bản mạch của thiết bị. Do đó, nên sử dụng bếp từ đều đặn để tuổi thọ của bếp được bền lâu.

8. Dùng hơn một ngón tay để nhấn nút điều khiển: Điều cần chú ý khi sử dụng bếp điện từ chính là sử dụng ngón tay để điều khiển các nút cảm ứng trên mặt bếp. Theo đó, chỉ nên sử dụng một ngón tay để bấm thay vì dùng hai ngón. Cần bấm lần lượt từng chế độ.

Nếu dùng hai ngón tay trở lên để bấm, nguy cơ lướt hay chạm phải hai, ba nút cảm ứng cùng một lúc sẽ khiến bếp trở nên bị lỗi.

9. Công suất bếp không tương thích với điện áp gia đình sử dụng: Công suất tiêu thụ điện của bếp từ thường ở mức 1800~2200 W, nếu đường dây điện trong gia đình bạn quá nhỏ, chỉ chịu được áp lực điện ở mức vừa phải. Hoặc bạn dùng một bảng điện để cắm chung các thiết bị như bếp từ, nồi cơm điện, tủ lạnh… thì tình trạng chập cháy đường dây dẫn đến hỏa hoạn là rất dễ xảy ra.

Tốt nhất, trước khi mua bếp bạn nên kiểm tra xem công suất của thiết bị này có phù hợp với điện áp của gia đình hay không. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy nguồn điện chập chờn hãy tắt ngay bếp từ để tránh chập điện, ảnh hưởng tới các thiết bị khác trong nhà. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ cháy nổ bếp từ mà nhiều người chủ quan không để ý.

 5/ Chọn mua đồng hồ định vị cho trẻ em:

Đồng hồ định vị trẻ em được coi là một trong những công cụ kiểm soát hiệu quả các hoạt động của trẻ thông qua Smartphone của cha mẹ. Hãy cùng Thế giới điện tìm hiểu về thiết bị thông minh này.

Ảnh minh họa

Các chức năng 

Đồng hồ định vị là loại đồng hồ đo thời gian, nhưng có thêm chức năng định vị. Ngoài ra, loại đồng hồ này còn có thể cài đặt sim điện thoại di động để liên lạc (nghe, gọi, nhắn tin). Những chức năng đặc biệt của loại đồng hồ này là:

- Xác định vị trí.

- Tính được quãng đường đi của người đeo đồng hồ trong khoảng thời gian 1 tháng.

- Xác định và kịp thời cảnh báo cho cha mẹ biết bé đang ở vùng không an toàn.

- Cập nhật thời lượng vận động của trẻ.

Một số loại đồng hồ định vị trẻ em còn có thêm các chức năng cảnh báo khi sắp hết pin, cảnh báo khi đồng hồ bị tháo ra khỏi tay trẻ hay khi đồng hồ bị tắt đi, cảnh báo khi trẻ đi vượt quá giới hạn…

Phương thức hoạt động

Đồng hồ định vị trẻ em loại tốt có cả 3 hình thức định vị: GPS, Wifi và GSM.

- Định vị GPS là định vị chính xác nhất hiện nay. Tín hiệu sóng GPS không cần đến sim của các nhà mạng di động, nhưng chỉ phù hợp với không gian ngoài trời. Khi ở trong nhà, đồng hồ định vị phải nhờ đến chức năng của Wifi và GSM. 

- Định vị Wifi không cần kết nối truy cập. Đồng hồ định vị sẽ ghi nhận một địa chỉ của các máy phát Wifi. Dựa vào vị trí đã biết của các máy phát Wifi, có thể  xác định vị trí của người đeo đồng hồ. Sai số của định vị Wifi khoảng vài chục đến vài trăm mét, lớn hơn định vị GPS. 

- Nếu định vị GPS và Wifi đều không sử dụng được, sẽ cần đến định vị GSM (trạm phát sóng di động). Đây là hình thức định vị theo các cột sóng của nhà mạng điện thoại. So với hai hình thức định vị trên, công nghệ này có độ chính xác thấp hơn. Ngoài ra, sim di động trong đồng hồ cũng có khả năng truyền dữ liệu. Theo chu kỳ cố định (ví dụ mỗi 20, 30 phút) đồng hồ định vị sẽ gửi thông tin vị trí định vị về phần mềm trên điện thoại của cha mẹ. Các phần mềm này có cả phiên bản cho iOS và Android. 

Kinh nghiệm chọn mua

Để chọn được một chiếc đồng hồ định vị tốt, có rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là xem xét chức năng cảnh báo, chức năng liên lạc (nhất là các cuộc gọi khẩn cấp khi cần) và thời lượng pin.

- Chức năng cảnh báo: Đồng hồ có nút báo khẩn cấp SOS.

Khi gặp nguy hiểm, trẻ ấn nút báo khẩn cấp. Đồng hồ sẽ gửi tin nhắn hoặc cuộc gọi khẩn cấp đến cho bố mẹ. Đồng thời, dữ liệu định vị cũng sẽ được gửi đến ứng dụng theo dõi trẻ của bố mẹ. Bố mẹ sẽ biết được vị trí trẻ đang ở đâu.

- Chức năng liên lạc: Cha mẹ có thể lưu số điện thoại vào đồng hồ định vị thông qua phần mềm trên di động. Danh bạ gọi đến và gọi đi của đồng hồ chỉ hạn chế một vài số điện thoại quan trọng của bố/mẹ, người thân… Một số đồng hồ cho phép gọi hai chiều, một số chỉ để nghe. Bên cạnh nghe - gọi, trẻ cũng có thể liên lạc với bố mẹ bằng tin nhắn thoại và nhận tin nhắn văn bản từ điện thoại di động của bố mẹ. Đồng hồ định vị không có bàn phím nên sẽ không gửi được tin nhắn văn bản. 

- Thời lượng pin: Dung lượng pin càng lớn thì thời gian sử dụng đồng hồ càng lâu, số lần cần sạc pin càng ít. Dung lượng pin hợp lý khoảng 300-600mAh với thời gian sử dụng 3-4 ngày liên tục. Nếu sử dụng chức năng định vị GPS liên tục sẽ tốn pin hơn. 

- Giá các loại đồng hồ định vị phụ thuộc vào chất liệu, thiết kế, tính năng, thương hiệu. Sản phẩm của các thương hiệu uy tín có giá từ 1-2 triệu đồng trở lên. 

 6/ Làm gì để hạn chế sự cháy nổ của xe đạp điện:

Nhiều sự cố cháy nổ xảy ra với xe đạp điện khi đang lưu thông trên đường hoặc đang sạc pin/ ắc quy, làm cho người sử dụng xe hết sức lo lắng. Thạc sĩ Lê Phương Trung, Phó trưởng khoa Điện, Điện tử (Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất) mách bạn cách phòng tránh dưới đây.

 

Xe đạp điện gồm 2 phần: Phần động cơ làm nhiệm vụ truyền dẫn động đến 2 bánh xe và phần ắc quy/pin giữ vai trò cung cấp điện năng cho động cơ hoạt động

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xe đạp điện phát nổ. Trong đó, 3 nguyên nhân chính là, do chất lượng sản phẩm (xe giá rẻ, kém chất lượng, là hàng giả, hàng nhái), do sự cố từ ắc-quy/pin và việc không bảo hành, bảo dưỡng định kỳ.

Bên cạnh đó, nguồn điện trong xe bị chập làm mạch của bộ sạc bị quá tải, hệ thống bộ biến đổi nguồn, bộ điều tốc gặp sự cố, việc tự ý lắp thêm phụ kiện, làm thay đổi kết cấu xe, tác động đến các dây điện, nguồn điện cũng có thể làm cho xe phát nổ.

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp liên quan đến ắc-quy của xe đạp điện, quý độc giả cần lưu ý. 

STT

Sai lầm khi sử dụng

Cách phòng tránh/Lưu ý

1

Sạc điện cho pin/ắc quy không đúng quy cách

- Nên sạc khi pin/ắc quy gần hết; hạn chế sạc qua đêm;

- Sau khi sử dụng từ 2-3 tháng có thể xả lượng axit trong pin/ắc quy thay bằng axít mới và sạc đầy pin/ắc quy;

- Sử dụng sạc chính hãng kèm theo khi mua xe, đảm bảo dòng vào chuẩn và ổn định…

- Nếu lâu không dùng xe đạp điện thì nên sạc đầy bình, sau đó tháo rời ắc quy/pin ra để đảm bảo tuổi thọ của thiết bị.

2

Bảo quản ắc quy/pin không đúng cách.

- Không để pin/ắc quy ở nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao, dễ gây cháy nổ;

- Không va đập hoặc rung mạnh tác động vào pin/ắc quy;

- Khi rửa xe hay đi mưa cần làm khô các giắc cắm và dây điện trước khi khởi động xe.

3

Không thường xuyên kiểm tra

- Định kì 3 - 6 tháng kiểm tra hệ thống sạc,  pin/ắc quy một lần. Bất kì ắc-quy nào cũng có tuổi thọ sử dụng nhất định và cần thay mới khi xuống cấp.

- Nếu có hiện tượng lạ như pin/ ắc quy bị phồng, nứt hay phát ra tiếng động lạ khi sạc điện... nên thay thế ắc quy mới hoặc đến ngay các cơ sở sửa chữa để kiểm tra.

 7/ Máy giặt bị rung lắc, gây tiếng ồn lớn: Nguyên nhân và cách khắc phục:

Máy giặt bị rung lắc mạnh và kêu to bất thường không chỉ gây khó chịu cho người sử dụng mà còn dẫn đến hỏng máy giặt. Hãy cùng Thế giới điện tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục.

Nguyên nhân

Cách khắc phục

Máy giặt không được đặt ở vị trí cân bằng

- Kiểm tra vị trí đặt máy, chuyển máy giặt đến nơi có vị trí cân bằng.

- Gia cố vị trí đặt máy giặt thật vững chắc.

Máy giặt bị quá tải hoặc quá ít quần áo

- Các máy được sản xuất ra đều có ghi số kg giặt tối đa. Trong thực tế, để đảm bảo máy giặt bền, chỉ nên giặt khoảng 2/3 khối lượng định mức.

- Khi giặt đồ dày, khối lượng giặt cần thấp hơn 2/3 khối lượng định mức.

- Quá ít quần áo cũng chưa nên giặt, bởi vừa tốn điện, tốn nước, mà máy còn dễ bị rung lắc mạnh.

Đặt quần áo bị dồn về một góc, bị xoắn, rối...

- Khi cho quần áo vào máy giặt, hãy lưu ý cho đều quần áo ở tất cả các góc, không nên cho tất cả vào một nơi, lồng giặt dễ bị nghiêng trong khi giặt.

- Nên sắp xếp quần áo tách rời nhau và đặt cùng một chiều trước khi cho vào máy giặt, không để quần áo xoắn rối vào nhau. Khi đó, quần áo không chỉ bị nhăn, giảm độ bền mà có thể dồn về một góc, làm lồng giặt bị lệch, gây tiếng ồn lớn.

Có vật lạ va chạm vào lồng giặt

Trước khi giặt, hãy lưu ý kiểm tra lồng giặt và quần áo, bỏ những vật lạ như sỏi đá, cục sắt,… có thể bị vướng vào quần áo, tránh để thùng giặt va chạm với vật lạ, gây tiếng ồn và giảm tuổi thọ của máy.

Máy bị khô dầu

Sau thời gian dài hoạt động, các xi lanh trong máy bị hở hoặc thủng làm lượng dầu bị cạn dẫn tới các chuyển động quay, đẩy giữa xi-lanh và pít tông không được trơn gây ra tiếng ồn. Nên gọi cho thợ sửa chữa chuyên nghiệp đến khắc phục.

Máy giặt không đủ nước

Áp lực nước chậm làm quá trình bơm nước vào máy lâu hơn, máy giặt bắt đầu tiến trình giặt khi chưa đủ dung tích nước cần thiết. Kiểm tra lại xem mỗi lần giặt, nước có gần bằng thành lồng giặt hay không, nếu thiếu nước,  cần gọi thợ sửa chữa hỗ trợ.

Các nguyên nhân gây trục trặc kỹ thuật lớn như, trục lồng giặt bị cong, vênh, bộ phận giảm sóc gặp sự cố, dây curoa bị trùng,…

Đối với các trục trặc lớn về kỹ thuật, cần liên hệ để Trung tâm Bảo hành đến khắc phục sự cố.

 

Các tin tức khác

Đối tác khách hàng

CanaryVkids CanaryVkids CanaryVkids CanaryVkids CanaryVkids CanaryVkids
Thông tin liên hệ

Số 35 An Hạ, X. Phạm Văn Hai, H. Bình Chánh, TP.HCM

ĐT, Zalo: 0989 247 510

thuanlongsaigon@gmail.com

Copyright © 2018 by THUANLONG CO.,LTD All rights reserved. Design by NiNa Co.,Ltd
Đăng ký nhận tin
Đăng ký email của bạn dể nhạn thông tin mới nhất từ chúng tôi

Liên kết mạng xã hội:

Thống kê truy cập
Online Đang Online: 3
_thongketuan Trong tuần: 601
_thongketuan Trong tháng: 4232
_tongtruycap Lượt truy Cập: 1676654